Cháu trai tôi năm nay đang học lớp 12 tại một trường dân lập ở TP Quảng Ngãi. Năm sau, cháu sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng với nhiều ước mơ, hoài bão.
Băn khoăn trước ngã rẽ
Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là bước vào kỳ thi quan trọng của cả đời người, cháu băn khoăn nhiều vì chưa biết phải chọn và học ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia. Cháu nhờ tôi tư vấn giúp.
Còn mẹ cháu, chị dâu của tôi, thì nhất quyết là cháu phải vào cho được ít nhất một trường đại học dù là trường đại học nào đi chăng nữa để chị "hãnh diện" với bạn bè và bà con lối xóm. Chị còn bảo với tôi dù khó khăn, cực khổ đến mấy chị cũng phải phấn đấu, cố gắng gồng gánh để cho cháu vào đại học như nguyện vọng của cha cháu, anh trai tôi, lúc còn sống.
Qua tâm sự và trò chuyện, tôi biết vì sao cháu phân vân, băn khoăn, bởi nhìn vào kết quả học tập gần ba năm học THPT của cháu, sức học chỉ ở mức trung bình, thậm chí cố gắng lắm thì mới có thể hoàn thành hết chương trình lớp 12. Ngoài ra, cháu có thể lực ốm yếu so với các bạn học cùng trang lứa.
Cháu tâm sự và cho tôi biết là rất muốn đăng ký nguyện vọng vào học đại học hay cao đẳng như mong muốn của mẹ để mẹ hãnh diện, vui mừng, nhưng cháu cũng cho biết học đại học không phải là sở thích của cháu cũng như năng lực và khả năng của mình.
Cháu còn bảo hiện tại, sau khi tốt nghiệp kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ngay trên quê hương mình ở Quảng Ngãi hay chỉ xa hơn một chút là các tỉnh thành lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng... cũng có các trường đào tạo, dạy nghề về đầu bếp, tạo mẫu tóc hay sửa chữa điện thoại di động.
Cháu có thể đăng ký nguyện vọng và theo học ở gần nhà vừa đỡ tốn kém chi phí, thời gian học cũng ít hơn nhiều, 18-24 tháng là có thể tốt nghiệp ra trường và cũng dễ tìm kiếm việc làm tại các trung tâm tạo mẫu, các nhà hàng, khách sạn hay cửa hàng với nghề sửa chữa điện thoại di động như hiện nay.
Hãy trao cho con quyết định
Biết được sở thích, niềm đam mê cũng như nguyện vọng, năng lực của cháu, tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện, tỉ tê, tâm sự với chị dâu - mẹ cháu, có lúc hàng giờ qua điện thoại hoặc mỗi lúc tôi có dịp về thăm quê. Tôi đã "cảnh báo" với chị nếu cứ khăng khăng mong muốn cho con vào đại học cho "bằng chị bằng em", có chút hãnh diện trước mắt mà không nghĩ đến năng lực, khả năng cũng như niềm đam mê của con thì chắc chắn chị sẽ hối hận và nắm chắc thất bại trong tay.
Đánh vào tâm lý, tôi dẫn chứng thêm cho chị thấy về những số liệu cụ thể con số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, thậm chí là học thạc sĩ ra trường thất nghiệp, không có việc làm, đành phải làm trái ngành nghề, thậm chí làm công nhân, trong khi đó tỉ lệ sinh viên các trường nghề sau khi tốt nghiệp ra trường, có nhiều trường tỉ lệ sinh viên kiếm được việc làm là 100% với mức lương trên dưới chục triệu đồng.
Kiểu như "mưa dầm thấu lâu", trước những sẻ chia và khuyên bảo của tôi, tâm lý của mẹ cháu đã dần ổn định, lấy lại thăng bằng, chị vui vẻ hơn rất nhiều. Mới đây chị cho biết sẽ chiều theo ý kiến của tôi và niềm đam mê của con, hoàn toàn trao quyết định cho con lựa chọn học nghề mà không nhất thiết phải bắt con vào học đại học như trước đây.
Tôi biết với nhiều bậc cha mẹ chứ không riêng gì bản thân chị dâu tôi, gia đình có con cái vào học đại học ở thành phố là mong ước và cũng là lẽ chính đáng, thường tình. Ai cũng mong con mình có tấm bằng đại học, sau khi tốt nghiệp ra trường có thể xin việc làm và sống tốt với ngành nghề mình đã được học và đào tạo sau hơn bốn năm học đại học.
Thế nhưng cần phải nhìn thấy năng lực, khả năng thật sự của con mình và niềm đam mê của con ở mức nào, và trường nghề là lựa chọn không tồi để con mình trang bị kỹ năng nghề nghiệp và sớm khởi nghiệp, kiếm tiền.