Nó sẽ đem lại cho chúng ta những quyền năng tối thượng để phá vỡ ranh giới tiến hóa giữa người và máy móc.
Trong một tweet ngày 9 tháng 7, Elon Musk đã viết: "If you can't beat em, join em", và tuyên bố đây chính là sứ mệnh của Neuralink, công ty thiết kế công nghệ giao diện não-máy tính được vị tỷ phú thành lập vào năm 2017.
Những gì mà Neuralink đang làm phục vụ cho nỗi bứt rứt trong lòng Elon Musk, một người luôn bị ám ảnh rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo và robot sẽ sớm vượt mặt con người.
Nếu không muốn bị tụt lại phía sau, con người phải tìm cách tự nâng cấp bản thân mình trước khi tương lai ấy kịp xảy ra. Và "nếu bạn không thể đánh bại chúng, hãy tích hợp với chúng – Đó là sứ mệnh của Neuralink", Elon Musk viết
Ông cho biết thêm công ty sẽ có một tuyên bố cập nhật tiến trình vào ngày 28 tháng 8 tới đây. Nhiều hãng thông tấn nhận định đó có thể là kế hoạch thử nghiệm trên người công nghệ của Neuralink:
Một con chip được "khâu" trực tiếp vào bên trong não bộ có thể giúp bạn làm rất nhiều việc: từ stream nhạc trực tiếp từ internet vào não, tăng cường thính giác cho người đeo, chữa trị trầm cảm cho đến các bệnh thần kinh như Parkinson…
Dưới đây là tất cả những gì chúng ta biết được về dự án này cho tới thời điểm hiện tại: Lý thuyết mà Neuralink sử dụng, mức độ hoài nghi về độ khả thi và còn những công ty nào khác cũng đang thiết kế giao diện não-máy tính?
Con người cần cộng sinh được với máy tính và trí tuệ nhân tạo
Neuralink được Elon Musk thành lập vào năm 2016 và ra mắt chính thức vào năm 2017. Với vai trò là một công ty công nghệ thần kinh, Neuralink hướng đến việc phát triển các "giao diện não-máy tính băng thông cực cao để kết nối con người với máy tính". Sản phẩm cụ thể mà họ đang phát triển là một con chip cấy ghép được trực tiếp vào não bộ.
Mục tiêu hiện tại mà Neuralink tuyên bố những con chip của mình có thể làm là điều trị các chứng rối loạn não, chẳng hạn như bệnh Parkinson, động kinh và trầm cảm. Một giao diện não-máy tính như vậy cũng có thể được sử dụng để điều khiển các thiết bị ngoại vi, chẳng hạn như chân tay giả hoặc các bộ phận giả khác trực tiếp thông qua suy nghĩ.
Tháng trước, Neuralink cho biết công nghệ mà họ đang phát triển có thể được sử dụng để stream nhạc trực tiếp từ internet vào não bộ, đồng thời, nó còn có khả năng mở rộng tầm hoạt động của thính giác con người.
Tầm nhìn tối thượng của Elon Musk với Neuralink đã lộ ra ở đây. Nếu một giao diện não-máy tính có thể được phát triển đạt tới độ nào đó, nó có thể thực sự khiến con người và máy móc hòa nhập. Nói cách khác, chúng ta có thể tích hợp máy tính để tự nâng cấp bản thân mình.
Mỗi con chip cấy vào não bộ sẽ cho phép con người trong tương lai có thể điều khiển mọi thiết bị ngoại vi bằng tâm trí, truyền suy nghĩ trực tiếp từ bộ não này đến bộ não khác thậm chí tăng cường năng lực nhận thức bao gồm cả trí thông minh và trí nhớ.
Xét về mặt khái niệm, Elon Musk đã định vị Neuralink là một dự án tiềm năng giúp nhân loại ngăn chặn mối đe dọa tận thế gây ra bởi AI. Ông nói rằng công nghệ này có thể giúp chúng ta "đạt được một kiểu cộng sinh với trí tuệ nhân tạo".
Vị tỷ phú cho biết chỉ bằng cách thúc đẩy và nâng cấp bộ não nhỏ bé của mình, chúng ta mới có thể đối mặt với các công nghệ tiên tiến do chính mình tạo ra. "If you can't beat em, join em", tích hợp máy tính vào con người là một cách để làm điều đó.
Tất nhiên, về mặt ý tưởng thì nó không có gì mới. Từ hàng thập kỷ trước, khoa học viễn tưởng đã vẽ ra được những kịch bản trong đó con người và máy móc phải hợp nhất với nhau. Chúng ta có các tiểu thuyết của Iain Bank, William Gibson và hàng ngàn bộ phim giả tưởng như Alien, Ma trận nói về những công nghệ tương tự.
Nhưng hiện thực hóa các ý tưởng này thì không phải chuyện dễ, ngay cả với Elon Musk.
Tesla có thể làm ô tô điện, Space X có thể làm tên lửa, nhưng đó đều chỉ là những công nghệ không liên quan trực tiếp đến con người. Neuralink thì khác, một giao diện não-máy tính được coi là thiết bị y tế, nó được cấy ghép vào não bộ con người.
Có nghĩa là công ty sẽ phải trải qua những quá trình thử nghiệm lâm sàng hết sức chặt chẽ, giống mọi thiết bị y tế để cuối cùng đi đến được một chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Giống như mọi công ty phát triển thuốc và thiết bị y tế khác dù là nhà nước hay tư nhân, Neuralink cũng sẽ phải chứng minh tính an toàn và hiệu quả cho mỗi sản phẩm của mình. Các bước chứng minh sẽ bao gồm thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, từ chuột đến linh trưởng lớn như khỉ, rồi 4 bước thử nghiệm lâm sàng trên người tương đương với 4 giai đoạn tỉ mỉ và rất tốn thời gian.
Sản phẩm của Neuralink thậm chí còn vượt ra ngoài các tiêu chuẩn hiện có. Nó là một con chip cấy vào não người – não của một người khỏe mạnh chứ không phải một người bệnh. Điều này sẽ tạo ra các thách thức độc đáo, liên quan đến khung thời gian thử nghiệm. Bạn cần đảm bảo con chip sẽ ở trong não của mình an toàn trong cả đời người, kéo dài hàng thập kỷ.
Neuralink cũng sẽ bị cản trở bởi những điều luật, bởi nếu gắn với mục đích nâng cấp con người, con chip của họ sẽ không phải một thủ tục cấy ghép cần thiết về mặt y tế. Trong khi các tác dụng phụ và biến chứng phẫu thuật được đặt sang một bên cán cân, sự thật là nếu cứ làm theo luật hiện tại thì cấy ghép của Neuralink sẽ không được phép tiến hành.
Chúng ta sẽ nắm trong tay công cụ tiến hóa
Bất chấp những thách thức này, các nhà khoa học đã đạt được những bước tiến lớn trong những năm qua khi họ cố gắng biến khoa học viễn tưởng thành hiện thực. Elon Musk và Neuralink có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhất, nhưng còn cả các nhà nghiên cứu khác cũng đang âm thầm đạt được những tiến bộ ngoạn mục trong lĩnh vực.
Hãy cùng điểm qua một số dấu mốc để có được cái nhìn sơ lược về những gì có thể thực sự xảy ra trong tương lai:
Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã dịch được sóng não con người thành giọng nói. Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác tại Đại học California San Francisco đã tìm ra được con đường ngôn ngữ đi từ não bộ tới các cơ hàm, môi và lưỡi. .
Vào năm 2016, một ca cấy ghép não đã cho phép một người cụt tay sử dụng suy nghĩ của mình để di chuyển các ngón tay của bàn tay giả. Giao diện não-máy tính cũng đã được sử dụng để tạo ra các bộ khung xương robot hỗ trợ người mặc làm các việc nặng nhọc hoặc khắc phục chấn thương cột sống.
Các thử nghiệm ý tưởng trên động vật cũng đạt đến thành công rất hứa hẹn. Chẳng hạn một giao diện não-máy tính không dây đã cho phép những con khỉ điều khiển được xe lăn chỉ bằng suy nghĩ. Một cấy ghép vào não bộ thậm chí có thể giúp những con khỉ chép chính tả một đoạn báo trên New York Times và Hamlet với tốc độ 12 từ mỗi phút.